Bối cảnh Chiến_dịch_Viên

Chiến dịch Viên cũng như các hoạt động quân sự tại Hungary có tác dụng đáng kể trong việc phối hợp với các hoạt động quân sự của quân đội Liên Xô tại vùng Ba Lan và cho cuộc tấn công sau cùng vào Berlin. Cụ thể hơn, tại thời điểm giữa tháng 2 năm 1945, sau khi quyết định dừng chiến dịch Wisla-Oder, quân đội Liên Xô chuyển trọng tâm sang việc quét sạch quân Đức đang đóng ở hai cánh sườn họ. Mục tiêu thứ nhất đó chính là các cụm lớn quân Đức đóng ngay sát sườn của các Phương diện quân Byelorussia 1, 2, 3 ở miền Đông Pomerania và Phương diện quân Ukraina 1 tại Thượng Silesia. Các cụm quân Đức này đe dọa trực tiếp đến mũi tấn công vào khu vực Berlin. Việc tiêu diệt các khối quân này diễn ra trong các chiến dịch Đông Pomerania, chiến dịch ThượngHạ Silesiya. Sau khi thủ tiêu các mối đe dọa trực tiếp này, quân đội Liên Xô chuyển sang tiêu diệt các đội quân Đức tại các khu vực sâu hơn ở hai bên sườn (deep flank) cánh quân Berlin nhằm không cho Bộ chỉ huy Đức Quốc xã điều chúng về tăng cường cho hàng phòng thủ ở Berlin. Các cánh quân này gồm cụm quân bị vây ở Đông Phổ, Cụm tập đoàn quân Wisla ở Đông Pomerania và Cụm Tập đoàn quân Nam đang đóng ở Hungary.[7] Chiến dịch Viên cùng với các chiến dịch tấn công Bratislava-BrnoChiến dịch tấn công Moravská-Ostrava là ba hoạt động quân sự lớn do các Phương diện quân Ukraina 2, 3, 4 tổ chức vào tháng 3 năm 1945 tại khu vực Tiệp Khắc và Hungary.

Các sự biến chính trị giữa Liên Xô và các nước Đồng Minh phương Tây trước tháng 4 năm 1945 cũng có những liên hệ nhất định đến vai trò của chiến dịch Viên trong các quan hệ giữa các nước đồng minh chủ chốt chống phát xít cũng như giữa họ với nước Đức Quốc xã. Trong các vòng đàm phán về việc phân chia ảnh hưởng chính trị giữa các nước Đồng Minh cũng như số phận các quốc gia phe Trục, vấn đề Áo được nhắc đến hết sức mơ hồ. Khu vực này chỉ được nhắc với cái tên "vùng Áo (Ostmark) của nước Đại Đức sau "sự kiện thống nhất" năm 1938". Sự mơ hồ này đã củng cố quyết tâm của I. V. Stalin về việc tổ chức chiến dịch tấn công vào Áo, vì việc giải phóng một vùng lãnh thổ đáng kể của Áo sẽ củng cố sức mạnh và trọng lượng của Liên Xô trong các cuộc đàm phán sau này.[8]

Xét về mặt kinh tế, cũng như Hungary, nước Áo có một khu công nghiệp dầu mỏ tại Sisterdorf (Zistersdorf), phía Đông Bắc Viên. Tuy trữ lượng còn lại đã gần cạn và sản lượng cũng không thể sánh bằng khu công nghiệp dầu mỏ Nagykanizsa ở Tây Nam hồ Balaton của Hungary, nhưng đây lại là nguồn dầu mỏ cuối cùng mà quân đội Đức Quốc xã còn nắm giữ. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ các giếng dầu ở khu vực này cũng có ý nghĩa kinh tế đối với người dân Áo sau khi chiến tranh kết thúc. Bên cạnh đó, Viên còn là khu công nghiệp cuối cùng ở miền Nam nước Đức còn đang hoạt động binh thường trong khi các khu công nghiệp trọng yếu hơn tại các vùng Bremen, Hamburg, Hannover, Kiel, Erfurt và cả thành phố Berlin đều đã bị không quân đồng minh đánh tan hoang hoặc bị đánh chiếm như vùng Ruhr và các thành phố Frankfurt am Main, Dortmund, Köln, Düsseldorf... Viên là một trong số ít các thành phố ở Trung Âu thoát khỏi thảm cảnh bị tàn phá bằng không quân trong Chiến tranh thế giới thứ hai do tại Hội nghị Yalta, các nước đồng minh đã nhất trí loại thành phố này khỏi danh sách các mục tiêu ném bom do giá trị lịch sử về kiến trúc và nghệ thuật của nó. Tuy nhiên, các chuyên viên quân sự của tam cường đồng minh tại Hội nghị Yalta cũng thỏa thuận về việc các nước đồng minh sẽ chia vùng chiếm đóng nước Áo sau khi đánh bại chế độ phát xít.

Về phía nước Đức Quốc xã, nền sản xuất và kinh tế của họ càng lúc càng lún sâu vào khủng hoảng do các hoạt động quân sự của các nước quân Đồng Minh diễn ra trong cùng thời gian đó. Trong giai đoạn nửa sau của tháng 3 năm 1945, không quân Anh-Mỹ đã liên tiếp tổ chức nhiều trận không kích lớn tại khu vực miền Nam Áo, Hungary và Tây Nam Slovakia. Nhiều sân bay, nhà ga xe lửa, tuyến đường sắt, cầu cống và các cơ sở công nghiệp đã trở thành đống gạch vụn. Năng suất của các cơ sở công nghiệp đến năm 1945 đã sụt thê thảm, chỉ còn bằng 20 phần trăm so với đầu chiến tranh. Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh tối cao Đức, sản lượng nhiên liệu và xăng dầu đã giảm mạnh một phần do các cuộc không kích này:

Kết quả của các trận không kích vào các nhà máy lọc dầu ở Komárno khiến sản lượng nhiên liệu ở đây sụt 70 phần trăm... Do Cụm Tập đoàn quân Nam và Trung tâm vẫn phải dựa vào nguồn cung cấp nhiên liệu ở Komárno, hậu quả của các trận không kích này đã ảnh hưởng đến các quyết định mang tính chiến dịch.
— Báo cáo của bộ tư lệnh tối cao Đức Quốc xã., [9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Viên http://schule.diefenbach.at/FBA/Wurzer/Teil3.htm#6 http://books.google.de/books?id=oDOdeRY2MHYC&pg=PA... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://militera.lib.ru/h/17va/index.html http://militera.lib.ru/h/liberation/index.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/19.html http://militera.lib.ru/h/sovtankv/14.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/12.html http://militera.lib.ru/memo/german/guderian/12.htm... http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/13.html